NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN TRONG IELTS SPEAKING PART 2

NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN TRONG IELTS SPEAKING PART 2
Trang Ly
Trang Ly

236

  • Speaking Part 2

Trong IELTS Speaking part 2, thí sinh sẽ được yêu cầu miêu tả về một chủ đề nào đó. Ví dụ, miêu tả về quyển sách khiến mình nhớ nhất hay miêu tả một người có khả năng nấu ăn ngon. Có rất nhiều thí sinh coi rằng phần 2 là phần “khó nhằn” nhất, đặc biệt là khi chúng ta được hỏi về một chủ đề mà chúng ta không yêu thích hoặc không có kiến thức nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh việc chăm chỉ chuẩn bị ý tưởng cho các chủ đề quen thuộc, một điều rất quan trọng mà các bạn không nên bỏ qua đó là bản chất của phần thi này là Story telling (nghệ thuật kể chuyện). Nếu bạn muốn giám khảo tập trung vào bài nói của bạn và cảm thấy bài nói của bạn thú vị, thì nội dung câu chuyện của bạn phải thú vị và có dấu ấn cá nhân. Nếu bạn nhìn vào những người nổi tiếng hoạt ngôn, bạn sẽ thấy sự khác biệt của họ với những người khác: họ có thể kể một câu chuyện đơn giản nhưng lại rất có sức hấp dẫn, khiến cho những người lắng nghe đều rất chăm chú và muốn biết diễn biến của câu chuyện.

Thông thường, khi bạn bắt đầu học ôn luyện speaking IELTS, bạn thường được giáo viên nhắc tới 4 tiêu chí chấm điểm: 

-       Fluency and Coherence (sự trôi chảy và mạch lạc)

-       Pronunciation (phát âm)

-       Lexical Resource (từ vựng)

-       Grammatical Range and Accuracy (sự đa dạng và tính chính xác về mặt ngữ pháp)

Dĩ nhiên, việc hiểu chính xác về từng tiêu chí là điều quan trọng, vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới điểm số của bạn. Tuy vậy, có rất nhiều trường hợp khi thí sinh chỉ chăm chăm tập trung vào việc gây ấn tượng với giám khảo bằng cách cố gắng nói nhanh (để chứng tỏ mình có khả năng nói trôi chảy), học phát âm theo giọng Anh Anh (để nghe cho “sang chảnh”), chêm vào nhiều từ nghe có vẻ “fancy” “band cao” hoặc chỉ nói những câu dài và câu phức tạp. Tệ hơn, có rất nhiều bạn chỉ học theo bộ đề và chuẩn bị bài mẫu kỹ lưỡng cho từng đề thi một rồi học thuộc chúng. Theo mình, cách học này có thể khiến cho quá trình ôn luyện của chúng ta trở nên nhàm chán, rập khuôn và quan trọng nhất là, khi chúng ta không gặp đúng chủ đề mà chúng ta biết rõ, chúng ta sẽ trở nên ấp úng rất nhanh và hậu quả là không đạt được band điểm mà mình mong muốn. Mình cũng đã từng gặp rất nhiều bạn có band điểm nói IELTS cao (7.0+), nhưng khi giao tiếp ở bên ngoài thì lại rất ấp úng và kém tự nhiên. 


Đối với mình, trước là một người học ngoại ngữ, sau là một giáo viên dạy IELTS trong nhiều năm, mình luôn coi kỹ năng Speaking là kỹ năng quan trọng nhất bởi giao tiếp hiệu quả chính là chìa khóa của sự thành công trong thời đại hiện nay. Sự bùng nổ của công nghệ và truyền thông đa phương tiện khiến cho nhu cầu giao tiếp và thể hiện bản thân đang ngày càng rõ nét. Nếu bạn có khả năng giao tiếp hiệu quả, bạn sẽ khiến người khác muốn lắng nghe bạn và từ đó tạo dựng được các mối quan hệ thành công.

Quay trở lại với bài thi nói IELTS, bất cứ khi nào mình tiếp cận tới một chủ đề nào đó, điều đầu tiên mình nghĩ tới không phải là mình sẽ dùng từ vựng hay cấu trúc ngữ pháp gì thật “ghê gớm” để gây ấn tượng với người khác, mà là việc đầu tư thời gian cho câu chuyện mà mình muốn kể. Điều đó có nghĩa là, mình cần dẫn dắt người nghe vào câu chuyện của mình một cách tự nhiên nhất, dễ hiểu nhất và quan trọng là tạo được sự hứng thú cho người nghe. Câu chuyện của mình phải có bối cảnh (context), nhân vật (những người tham gia vào câu chuyện), diễn biến (các sự việc xảy ra hoặc nguyên nhân xảy ra) và kết luận (có thể là bài học đáng nhớ hoặc kinh nghiệm mà mình rút ra sau câu chuyện đó). Sau đó, những yếu tố giúp deliver (truyền tải) ý tưởng đó mới được đem ra cân nhắc (như dùng cấu trúc nào, từ vựng gì và ngữ điệu ra sao). Dĩ nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nghĩ ra những “kịch bản” gay cấn, hay ho, nhưng mình có thể đảm bảo với bạn rằng, bạn luôn có thể nghĩ ra một câu chuyện “đủ tốt” để gây thiện cảm với người nghe và khiến họ ấn tượng với khả năng giao tiếp của bạn, dù chủ đề có khó nhằn và xa lạ đến đâu. 

Vậy thì, điều gì sẽ giúp bạn kể được một câu chuyện thú vị như vậy? Trong bài viết này, mình sẽ không đề cập tới 4 tiêu chí nêu trên bởi đối với mình, mà thay vào đó, mình muốn tập trung giải thích cho các bạn cách mà chúng ta có thể nảy ra một câu chuyện trọn vẹn, thú vị và gây thiện cảm cho người nghe qua ví dụ sau đây: 

Giả sử, đề bài cho bạn đề speaking như sau: “Describe something that is important to you” (Mô tả thứ gì đó quan trọng với bạn).

Bạn hãy dành ra vài phút để suy nghĩ câu chuyện của mình. Bạn có thể nghĩ bằng Tiếng Việt, hãy thử kể câu chuyện của mình thành tiếng, thu âm lại và sau đó tự mình lắng nghe bài thu âm của bản thân. Khi nghe lại và đặt bản thân mình là listener (người nghe) bạn có thấy câu chuyện của mình thú vị không? Bạn có muốn nghe hết câu chuyện không? Bạn có thấy mình học được gì từ câu chuyện không? Nếu tất cả câu trả lời cho những câu hỏi trên là không thì có lẽ bạn chưa thực sự biết kể một câu chuyện theo cách thú vị! 

Vậy thì điều gì làm nên một câu chuyện thú vị? Hãy cùng cân nhắc một số yếu tố sau nhé:

1.    Have a lot of features (Có nhiều nét đặc trưng): Chủ đề của bạn càng lớn thì bạn càng có nhiều yếu tố để phát triển và “chém gió” hơn. Ví dụ, đề bài yêu cầu bạn miêu tả về một chuyến đi thú vị, sẽ dễ dàng hơn nếu bạn chọn nói về chuyến đi tới Thái Lan (bởi có thể nói về những nơi bạn đã đi qua, thời tiết, đồ ăn, con người …) so với việc bạn nói về chuyến đi tới Chùa Trắng Wat Rong Khun.

2.     Be expandable (Có thể mở rộng được): Hãy luôn chọn những nội dung có thể mở rộng được. Ví dụ, với chủ đề miêu tả đồ vật quan trọng và bạn lựa chọn nói về chiếc laptop, hãy nói về công dụng mà laptop mang lại cho bạn (giải trí, kết nối, học tập, công việc…)

3.     Include some “invented” aspects (Chứa một số yếu tố sáng tạo): Đây sẽ là yếu tố quan trọng nhất quyết định câu chuyện của bạn có thú vị và mang dấu ấn cá nhân hay không. Hãy luôn nghĩ về việc thêm thắt một số chi tiết mà bạn tự nghĩ ra để câu chuyện của mình thêm phần thú vị. Ví dụ, thay vì việc nói rằng năm ngoái bạn mua một chiếc laptop mới, hãy “bịa” ra lý do vì sao bạn lại mua chiếc laptop đó. Ví dụ, bạn hãy nói rằng trước đó bạn sử dụng laptop cũ của anh trai, chiếc laptop đó khá cũ và nặng nề, còn hay hỏng hóc nữa. Vậy nên bạn đã tiết kiệm tiền từ lương hàng tháng của mình trong suốt 1 năm trời và tự mình mua chiếc laptop đó. Đấy cũng là món đồ có giá trị lớn đầu tiên mà bạn dùng công sức của mình mua được, vậy nên bạn rất trân trọng nó!


Mong rằng qua bài viết này, bạn sẽ có thêm ý tưởng để biến bài nói của mình đạt điểm cao hơn bằng cách tập kể một câu chuyện thú vị và hấp dẫn đối với người nghe!