CRITICAL THINKING (TƯ DUY PHẢN BIỆN) TRONG IELTS

CRITICAL THINKING (TƯ DUY PHẢN BIỆN) TRONG IELTS
Trang Ly
Trang Ly

715

  • Learning Tips and Strategies

Bài thi IELTS không chỉ đơn thuần là bài thi kiểm tra xem một thí sinh biết bao nhiêu từ vựng hay cấu trúc ngữ pháp. Bạn cần biết rằng bài thi này vốn được coi như điều kiện đầu vào của rất nhiều trường đại học trên thế giới, bởi vậy nó còn đánh giá khả năng suy nghĩ, tư duy và hiểu biết về những khái niệm phức tạp để xem thí sinh đó có thể đi sâu nghiên cứu một chuyên ngành cụ thể ở bậc đại học hay không. Do đó, phát triển kỹ năng phản biện cũng là một điều quan trọng để giúp bạn đạt được điểm số mong ước trong kỳ thi này. Bài viết này sẽ nêu ra vai trò của Critical Thinking trong từng kỹ năng và cách phát triển Critical Thinking trong quá trình ôn luyện IELTS.


1.     Critical Thinking là gì? 

-       Critical Thinking (thuật ngữ này được dịch trong Tiếng Việt là tư duy phản biện) là khả năng phân tích thông tin một cách khách quan và đưa ra những nhận xét hợp tình hợp lý. Nó còn là khả năng đặt câu hỏi một cách đa chiều khi gặp một vấn đề nào đó. Đối với IELTS, các kỹ năng tư duy phản biện sẽ giúp bạn hiểu và diễn giải những ngữ cảnh mà đề thi đưa ra cho bạn (trong cả 4 kỹ năng), từ đó đưa ra câu trả lời một cách logic gồm có những luận điểm, dẫn chứng hay ví dụ mạch lạc. 


2.     Critical Thinking trong 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết

-       Trong kỹ năng Nghe, bạn cần áp dụng tư duy phản biện để hiểu ra được ngữ cảnh từ những key words mà câu hỏi đưa cho bạn. Điều này đặc biệt quan trọng ở phần 3 và phần 4, nơi mà bạn phải lắng nghe những ý kiến trao đổi về một chủ đề học thuật (part 3) hay những thông tin của một bài giảng cũng về chủ đề học thuật nào đó (part 4). Bạn phải phân tích được sự khác nhau giữa các đáp án của bài nghe (dạng Multiple Choice Questions trong part 3) hay nắm được cấu trúc của một bài giảng (lectures trong part 4).


-       Đối với Reading, kỹ năng tư duy còn phát huy vai trò nhiều hơn nữa. Các dạng câu hỏi Reading đều yêu cầu thí sinh có khả năng đánh giá các lý lẽ (arguments), phát hiện ẩn ý (implications) hoặc suy diễn (inferences). Bạn cần thấu hiểu được góc nhìn và tinh thần của tác giả, các luận điểm, chứng cứ hỗ trợ để từ đó đưa ra câu trả lời chính xác. 


-       Trong Writing, bạn sẽ là người đưa ra một bài viết học thuật để mô tả biểu đồ (Task 1) hoặc nghị luận về một vấn đề trong xã hội (Task 2). Kỹ năng Critical Thinking giúp bạn phân tích số liệu, xu hướng, biết cách nhóm số liệu hay lược bỏ những số liệu không quan trọng. Trong Task 2, bạn cần vận dụng kiến thức của mình để đưa ra những luận điểm, chứng cứ và ví dụ hỗ trợ cho ý kiến của bạn, giúp giám khảo hiểu được góc nhìn của bạn một cách hiệu quả. 


-       Cuối cùng là Speaking, câu trả lời logic và giải thích cụ thể chính là chìa khóa đạt điểm cao. Bạn cần có khả năng đưa ra những nhận xét và quan điểm của bạn thân về rất nhiều chủ đề khác nhau một cách mạch lạc. Critical Thinking thúc đẩy quá trình tạo ra những ideas hay cho những câu hỏi mà giám khảo đưa ra cho bạn. 


3.     Cách phát triển Critical Thinking trong quá trình học IELTS

-       Học Nghe, Nói, Đọc, Viết một cách chủ động. “Chủ động” ở đây không phải bạn nên làm càng nhiều đề càng tốt. Chất lượng luôn quan trọng hơn số lượng. Thay vì mỗi tuần bạn cố gắng làm 4 đề, hãy tập trung giải 2 đề mỗi tuần. Có một cách rất hay mà cá nhân người viết thường xuyên áp dụng đối với Reading và Listening đó là sau khi hoàn thành câu hỏi, hãy dành thời gian để viết lại một đoạn văn ngắn nêu tóm tắt ý chính và những cảm nhận của bạn thân về bài đọc hoặc nghe đó. Bạn có bổ sung thêm thông tin gì theo kiến thức mà bạn biết về chủ đề đó hay không? Bằng cách này, bạn không chỉ ghi nhớ thông tin lâu hơn mà còn tăng khả năng viết của mình nữa đó!  


-       Rèn luyện tư duy phản biện bằng cách đặt câu hỏi. Mỗi lần bạn đặt ra các câu hỏi và tự mình đi tìm câu trả lời (có thể bằng cách tra cứu các tài liệu liên quan hay áp dụng vốn sống và hiểu biết cá nhân) là một lần bạn đang mài giũa kỹ năng phân tích của mình. VD: Khi đọc, hãy tự hỏi bản thân “Tác giả đang muốn đưa ra quan điểm gì?” “Tác giả dùng dẫn chứng gì để chứng minh?” “Ví dụ này có ẩn ý gì không?”. Hãy tập thói quen nghi ngờ những gì bạn đọc hay nghe được, tìm hiểu và suy nghĩ thêm về các góc nhìn khác nhau để có một cái nhìn đa chiều nhất về một vấn đề nào đó. Tập tổng hợp thông tin, chắt lọc bớt những gì bạn cho là chưa phù hợp để hình thành một quan điểm sau cùng của riêng bạn. Bạn sẽ không thể biết mình được hỏi chủ đề nào trong phòng thi, vậy nên hãy mở rộng vốn kiến thức của mình ra tất cả các lĩnh vực trong xã hội (môi trường, giáo dục, văn hóa …) 


-       Một số cuốn sách khá thú vị về Tư duy phản biện có thể giúp bạn hiểu sâu sắc hơn mà mình muốn recommend là “Tư duy nhanh và chậm” của tác giả Daniel Kahneman – người đã dành nhiều thập kỷ nghiên cứu về cách tư duy của con người. Nếu bạn không thích đọc sách quá hàn lâm, Ted Talk là một lựa chọn không tồi để phát triển kỹ năng phản biện của bạn. Trang web này cung cấp một lượng lớn các video những bài thuyết trình của các diễn giả nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới về vô số những chủ đề khác nhau. Bằng cách lắng nghe những video này, bạn sẽ có một lượng kiến thức cũng như ý tưởng đồ sộ cho rất nhiều lĩnh vực trong thực tế, góp phần kích thích trí tò mò cũng như vốn hiểu biết của bạn đấy!