NGHE SAO CHO HIỆU QUẢ?

NGHE SAO CHO HIỆU QUẢ?
Trang Ly
Trang Ly

701

Listening không phải là một kỹ năng khó, miễn là bạn hiểu rằng điểm yếu của mình nằm ở đâu và những kỹ năng nghe nào bạn cần cải thiện trong quá trình ôn thi IELTS. Trong bài viết sau, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu 3 vấn đề chính: 

  1. Format bài thi Listening
  2. Những kỹ năng mà bài thi yêu cầu từ thí sinh
  3. Cách luyện nghe hiệu quả

1) Format bài thi IELTS Listening:

Bài thi gồm có 4 phần, mỗi phần 10 câu hỏi, tương ứng với tổng 40 câu. Thí sinh chỉ được nghe một lần duy nhất. 

  • Part 1: Thí sinh được nghe một cuộc hội thoại giữa 2 người về một tình huống giao tiếp xã hội thường ngày, ví dụ như cuộc trò chuyện giữa hai người bạn hoặc cuộc điện thoại đặt phòng khách sạn. 
  • Part 2: Thí sinh được nghe một bài độc thoại (1 người nói) về một tình huống xã hội thường ngày, ví dụ như một bài nói giới thiệu các cơ sở vật chất của một công viên địa phương mới xây dựng hoặc hướng dẫn viên giới thiệu với du khách về chuyến thăm bảo tàng.
  • Part 3: Thí sinh được nghe một cuộc hội thoại (2-4 người) về một tình huống giao tiếp học thuật giữa nhiều người, thường là sinh viên đại học. Ví dụ, các sinh viên thảo luận về bài thuyết trình chủ đề môi trường sắp tới.
  • Part 4: Thí sinh được nghe một bài giảng học thuật (1 người nói) về một chủ đề giáo dục, ví dụ như nguồn gốc và quá trình phát triển của giấy viết chẳng hạn. 

Các dạng câu hỏi thường gặp: 

  • Multiple Choice (trắc nghiệm)
  • Matching (nối các đáp án với câu hỏi)
  • Sentence/ form/ flow-chart/ summary Completion (hoàn thành câu/ mẫu/ sơ đồ các bước/ tổng kết)
  • Plan/ map/ diagram labelling (dán nhãn biểu đồ, bản đồ, sơ đồ)
  • Short-answer questions (câu trả lời ngắn)



2) Những kỹ năng mà bài thi yêu cầu từ thí sinh

Bài thi IELTS Listening kiểm tra thí sinh những kỹ năng sau:

  • Kỹ năng nghe thông tin chính (main idea): câu hỏi dạng này yêu cầu thí sinh nắm bắt được những ý nghĩa chung của đoạn nói, ví dụ như địa điểm, thời gian hay người nói là ai.
  • Kỹ năng nghe thông tin cụ thể (specific information): nghe thông tin hoặc chi tiết cụ thể nào đó. Biết cách loại trừ những thông tin gây nhiễu. (Ví dụ như đề bài yêu cầu bạn điền số ngày người nói sẽ ở lại khách sạn khi cô ấy đang đặt phòng chẳng hạn)
  • Kỹ năng dự đoán (predicting): đọc câu hỏi và dự đoán kiểu thông tin nào sẽ có thể điền vào câu trả lời. 
  • Kỹ năng suy luận từ những gì mình nghe được (Inferring meaning): đôi khi, đặc biệt trong part 3, thí sinh cần có khả năng tổng hợp thông tin và suy ra được nội dung hoặc ý kiến của người nói, từ đó lựa chọn đáp án phù hợp.
  • Kỹ năng theo dõi được trình tự bài nói dựa vào các từ nối hoặc các từ thay thế (signposting và referencing words)
  • Kỹ năng nghe hiểu phát âm của người bản xứ: sẽ có nhiều giọng khác nhau của người nói trong mỗi bài nói (ví dụ giọng Anh Mỹ nam hoặc nữ). 
  • Kỹ năng ghi chép thông tin (note taking skills): kỹ năng này đòi hỏi thí sinh vừa nghe vừa take notes lại những thông tin quan trọng (đặc biệt hữu ích với part 3)
  • Kỹ năng paraphrasing: những từ ngữ trong câu hỏi và những từ thí sinh nghe được trong file audio sẽ không hoàn toàn trùng khớp mà chúng sẽ được thay thế bằng các từ đồng nghĩa hoặc các cụm từ có nghĩa tương đương. 


3) Cách cải thiện Listening: 

  • Thứ nhất, điều đầu tiên bạn cần làm là học phát âm chuẩn theo bảng IPA. Nếu bạn vẫn còn vận dụng ngữ âm của Tiếng Việt để đọc các từ vựng Tiếng Anh thì khi nghe người bản xứ nói, bạn sẽ không tài nào hiểu nổi họ đang nói cái gì, chưa kể với tốc độ nhanh nữa. Do đó, bạn phải dành thời gian tìm hiểu cách phát âm của Tiếng Anh và đọc sao cho đúng. 

Ví dụ, chữ “a” trong Tiếng Việt chỉ có một cách đọc, bất cứ từ nào có chữ cái “a” thì chúng ta đều phát âm chữ “a” giống hệt nhau. Tuy vậy, chữ “a” trong Tiếng Anh lại có rất nhiều cách đọc, như chữ “a” trong từ “apple” đọc khác với chữ “a” trong từ “cake” hay “car”

Giáo trình phát âm mà bạn có thể tham khảo là cuốn English Grammar in Use, hoặc giáo trình American Pronunciation Workshop (gồm 15 videos được dạy bởi thầy Paul Gruber). 

  • Thứ hai, nếu bạn chưa giỏi nghe và có vốn từ vựng hạn chế, đừng vội làm bài ngay lập tức. Bạn sẽ cảm thấy chán nản ngay. Thay vào đó, hãy làm các bước sau: 

Bước 1: Mở phần transcript, đọc một lượt để hiểu nội dung. Tra từ điển để biết nghĩa những từ mới. 

Bước 2: Vừa nghe audio, vừa xem transcript, có thể lẩm nhẩm đọc theo. Đánh dấu những từ mà bạn phát âm khác với người bản xứ để sửa dần sau này. Lưu ý những chỗ mà họ nối âm hay nuốt âm. Bạn có thể nghe 2-3 lần hoặc cho tới khi nào bạn cảm thấy tự tin đã hiểu hết nội dung của audio.

Bước 3: Bỏ transcript, chỉ nghe và làm câu hỏi. Trong quá trình này, hãy chú ý đến những kỹ năng mà mình đã liệt kê ở trên, đặc biệt là paraphrasing – hãy chú ý tới cách mà câu hỏi thay đổi từ so với file audio hoặc là bẫy mà đề bài cho. 

Bước 4: Kiểm tra đáp án. Nghe lại những câu mà bạn làm sai. 

Bước 5: Tiếp tục nghe audio đó thêm vài lần cho tới khi không cần transcript, bạn vẫn có thể hiểu trên 90% nội dung của bài. 

Rõ ràng, với cách làm như thế này, bạn sẽ cảm thấy rất tốn thời gian. Tuy vậy, chất lượng luôn quan trọng hơn số lượng. Thay vì mỗi ngày làm một đề và mãi không cải thiện được số lượng câu bạn làm đúng, hãy thử làm 1 đề (4 parts) mỗi tuần theo các bước như trên. Chỉ sau vài tuần, bạn sẽ thấy kỹ năng nghe của mình tiến bộ vượt bậc. Bạn sẽ không còn chỉ nghe bập bẹ được vài từ khóa mà thay vào đó, tai của bạn sẽ quen dần với tốc độ nói và hiểu được phần lớn nội dung của bài đó! 

  • Thứ ba, đây cũng là một phương pháp nhiều người khuyên sử dụng, đó là nghe chép chính tả. Bạn có thể chọn một audio ngắn (mình khuyên là nên bắt đầu từ những audio có độ dài 1-3 phút), tập nghe và chép lại. Một trang web luyện tập kỹ năng này rất hay mà bạn có thể tham khảo là https://dailydictation.com
  • Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, bạn cần duy trì thói quen nghe đều đặn, mỗi ngày ít nhất 15 phút để train đôi tai của bạn có thể bắt kịp với tốc độ của người bản xứ. Hãy kiên trì lắng nghe – xem transcript – tra từ điển nếu gặp từ mới – và cứ lặp lại như thế cho tới khi bạn có thể hiểu nội dung của bài nghe đó!

Chúc các bạn học tập tốt!