[IELTS READING] NÊN ĐỌC CÂU HỎI HAY ĐỌC BÀI ĐỌC TRƯỚC?

[IELTS READING] NÊN ĐỌC CÂU HỎI HAY ĐỌC BÀI ĐỌC TRƯỚC?
Trang Ly
Trang Ly

674

  • Cải thiện kỹ năng Reading theo dạng bài

NÊN ĐỌC CÂU HỎI HAY ĐỌC BÀI ĐỌC TRƯỚC TRONG BÀI IELTS READING?


Chào các bạn, Pombeebee nhận thấy có một số bạn đang thắc mắc không biết nên bắt đầu từ đâu trong bài thi IELTS Reading, đọc bài đọc trước hay đọc câu hỏi trước? Một số trường hợp các bạn đã thử cả hai cách trên, gạch chân các keywords nhưng lại gặp một số dạng bài khó. Nếu bạn đã và đang gặp trường hợp như trên thì cùng mình tham khảo bài viết bên dưới này nha.

Nếu mục đích của bạn là đọc để trả lời câu hỏi, phương pháp đọc hiệu quả và tiết kiệm thời gian nhất đó là đọc câu hỏi trước rồi mới tìm thông tin trong bài đọc. Tuy vậy, các dạng câu hỏi trong bài Reading là rất đa dạng và chúng ta nên chia thành 2 loại sau:

Loại 1: những dạng câu hỏi mà có thể định vị được vị trí thông tin trong văn bản nhanh. Những dạng câu hỏi thuộc loại này có thể kể đến như Sentence Completion, Table Completion, T/F/NG hay Multiple Choice Question. Với dạng này, nhiệm vụ của bạn là dựa vào key words tìm được trong bài để định vị thật nhanh chỗ mình cần đọc. Sau đó, bạn cần tập trung đọc thật kỹ thông tin của bài đọc và so sánh chúng với câu hỏi. 

Loại 2: những dạng câu hỏi mà yêu cầu thí sinh phải có cái nhìn bao quát hoặc thông tin nằm rải rác khó xác định. Đây là các dạng khó, là dạng bài để phân loại điểm cho những bạn muốn đạt band reading cao. Đó là các dạng như Matching headings (nối tiêu đề) hay Matching features (thông tin nhỏ được lấy từ trong đoạn nào). Với dạng này, việc đầu tư nhiều thời gian là điều cần thiết và bạn nên để các dạng này ở cuối cùng, sau khi đã hoàn thành các câu hỏi dạng dễ hơn để nắm được phần nào thông tin trong bài. 

Tiếp theo, các kỹ năng đọc mà bạn cần nắm được: 

Kỹ năng Skimming:

Khi thấy một bài đọc, hãy dành khoảng 1 phút đọc kỹ phần tiêu đề, tiêu đề phụ, số lượng đoạn văn, lướt qua đoạn văn xem có nhiều tên riêng, con số hay thông tin gì đáng lưu ý không. Sau đó, hãy xem đề bài có bao nhiêu dạng câu hỏi (thường một bài đọc sẽ có từ 2 đến 3 dạng câu hỏi). Phân loại thành dạng dễ (loại 1 bên trên) và dạng khó (loại 2 bên trên)

Kỹ năng Scanning:

Bắt đầu với các câu hỏi loại dễ trước. Hãy nhớ rằng các câu hỏi loại này sẽ có câu hỏi theo thứ tự thông tin trong bài đọc. Không chỉ gạch chân dưới các key words, bạn cần ĐỌC CHẬM, ĐỌC KỸ từng câu hỏi và bảo đảm rằng mình hiểu toàn bộ nội dung câu hỏi. Đặc biệt chú ý tới các key words không thể paraphrase (tên riêng, số liệu). Những key words này sẽ giúp bạn định vị vị trí cần đọc nhanh hơn. 

Kỹ năng Reading Intensively:

Thông thường, việc bạn dù tìm được vị trí cần đọc nhưng đáp án bạn đưa ra vẫn sai là vì bạn chưa có khả năng đọc sâu và hiểu rõ thông tin trong bài. Cách bạn đưa ra câu trả lời có thể chỉ là so sánh xem đáp án nào “có vẻ” đúng nhất. Đề bài chứa rất nhiều bẫy, nên nếu như bạn không đọc cẩn thận, tập trung và hiểu rõ cách mà đề bài paraphrase thông tin, bạn sẽ không thể đưa ra đáp án chính xác. Lời khuyên của mình là nếu bạn cảm thấy mình luôn sai một dạng câu hỏi nào đó, hãy tìm những bài đọc mà có giải thích đáp án chi tiết để hiểu rõ lý do vì sao mình lại sai lỗi đó và khắc phục vào các lần tiếp theo. Nếu không hiểu rõ bản chất, bạn sẽ luôn luôn mắc cùng một lỗi như vậy. 

Đối với các dạng bài khó, chiến lược làm bài cũng sẽ thay đổi một chút. Bạn sẽ không thể dựa vào Scanning để tìm vị trí được. Ví dụ, với dạng Matching Headings, bạn phải có khả năng tổng hợp thông tin. Hãy bắt đầu tiếp cận với đoạn văn ngắn nhất hoặc đoạn văn mà bạn đã biết nhiều thông tin nhất (giả sử trước đó bạn đã làm 5 câu sentence completion và thông tin phần lớn ở đoạn C và D – việc đưa ra headings cho 2 đoạn này sẽ dễ dàng hơn so với những đoạn mà bạn chưa đọc chút nào cả). 

Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng để giúp bạn đưa ra đáp án chính xác cho reading đó là từ vựng. Vốn từ vựng của bạn cần đủ đa dạng để đọc hiểu được những thông tin chính của bài. Nếu bạn cảm thấy đọc mãi mà vẫn không hiểu đề bài và câu hỏi, bạn cần chậm lại và học thêm nhiều từ mới để mở rộng vốn từ của mình trước nha! 

Để tham khảo thêm một số mẹo dành cho từng dạng bài cụ thể, bạn tham khảo thêm các bài viết tại Thư viện Pombeebee và kết hợp mở rộng thêm vốn từ vựng với Pombeebee AI nhé!