SHADOWING CÓ PHẢI PHƯƠNG PHÁP HỌC SPEAKING TỐT NHẤT?

SHADOWING CÓ PHẢI PHƯƠNG PHÁP HỌC SPEAKING TỐT NHẤT?
Trang Ly
Trang Ly

621

  • Chinh phục IELTS với Mẹo và Chiến lược

Nhiều Polyglots (những “cao thủ” thành thạo nhiều thứ tiếng) khi chia sẻ về phương pháp học ngoại ngữ của mình thường nhắc đến Shadowing như một “tuyệt kỹ” để rèn luyện khả năng của họ. Trong bài viết này, Pombeebee xin chia sẻ với các bạn về phương pháp shadowing, cách áp dụng nó cũng như một số ưu và nhược điểm khi sử dụng phương pháp này. 



1.    Shadowing là gì?

-       Trong tiếng Anh, từ “shadow” có nghĩa là cái bóng. Vì thế, nếu hiểu một cách đơn giản thì “shadowing” là phương pháp lặp lại y hệt những gì bạn được nghe. Y hệt ở đây có nghĩa là bạn nhắc lại giống hệt từ cấu trúc ngữ pháp, từ vựng cho đến âm điệu, cách nhấn nhá, lên xuống giọng theo người bản xứ trong những đoạn âm thanh có sắn.

-       Để thực hiện phương pháp này, rất đơn giản, bạn chỉ cần chuẩn bị một file nghe có giọng người bản xứ chuẩn, nội dung bất kỳ nhưng nếu bạn là người mới bắt đầu, nên lựa chọn những đoạn ghi âm hoặc video có độ dài dưới 5 phút, nếu tìm được nội dung bạn yêu thích thì càng tốt. Tuy nhiên, audio hoặc video buộc phải có phần transcript; một cuốn từ điển online hoặc offline đều được; một thiết bị có thể thu âm. Vậy là bạn đã sẵn sàng thực hành Shadowing rồi đấy! 


2.    Cách luyện tập phương pháp shadowing: 

-       Bước 1: Xem một lượt transcript, tra trước tất cả các từ mới mà mình chưa biết. 

-       Bước 2: Nghe audio/video từ 2-5 lần kết hợp với xem transcript. Hãy bảo đảm rằng trong bước này bạn hoàn toàn nắm được nội dung của người nói. Hãy để ý tới cách ngắt nghỉ, nhấn nhá của người nói. (Có thể dùng bút chì hoặc bút highlight đánh dấu những chỗ nghỉ hay lên xuống giọng.)

-       Bước 3: Tập nói theo từng câu, chú ý bắt chước càng giống càng tốt. Ở bước này, bạn hãy dùng thiết bị ghi âm để ghi lại giọng nói của mình, sau đó có thể bật lại và so sánh với giọng nói mẫu. Đây là một bước cực quan trọng mà nhiều bạn thường xuyên bỏ qua. Sự thật là giọng mà bạn nghe được trong quá trình bạn nói khá là khác với giọng mà bạn nghe lại qua thiết bị thu âm. Hãy thu âm giọng nói của mình để nghe lại và phân tích được những lỗi sai mà mình mắc phải. Nếu bạn có gia sư dạy riêng là tốt nhất, hãy nhờ họ nghe và sửa cho bạn. 

Lặp đi lặp lại bước này cho tới khi bạn không còn cần transcript nữa. Chuyển sang audio/video khác hoặc tăng độ khó của tài liệu nghe.

-       Bước 4: Duy trì đều đặn. Không có một phương pháp học tập “thần tốc” nào mà chỉ cần qua vài ngày đã cải thiện được khả năng nói của bạn cả. Bạn cần kiên trì rèn luyện phương pháp này qua ít nhất 3 tháng (khoảng 30 phút mỗi ngày) để thấy được hiệu quả rõ rệt. 


3.    Ưu và nhược điểm của phương pháp Shadowing: 

a.    Ưu điểm

-       Cải thiện phát âm và ngữ điệu nhanh chóng, hiệu quả: Khi bạn học một ngôn ngữ mới, một vấn đề cực kỳ khó khăn đó là làm quen với khẩu hình miệng cũng như cách nhấn nhá đặc trưng cho ngôn ngữ đó. Chỉ bằng cách nghe và bắt chước chính người bản xứ một cách thường xuyên bạn mới có thể cải thiện yếu tố này một cách nhanh chóng. 

-       Mở rộng vốn từ và học cấu trúc ngữ pháp thực tế: Bình thường học từ và ngữ pháp riêng lẻ thường gây sự nhàm chán rất nhanh vì các bạn không biết nên dùng những kiến thức ấy như thế nào. Với phương pháp Shadowing, bạn sẽ học từ và cấu trúc trong ngữ cảnh, từ đó giúp bạn rất nhiều trong việc ghi nhớ và sử dụng vốn kiến thức này về sau.

-       Có thêm nhiều ý tưởng hay về một chủ đề nào đó: Bí ý tưởng cũng là một vấn đề thường thấy. Bằng cách thu gom các ý tưởng trong một thời gian dài, bạn sẽ thấy vốn hiểu biết và khả năng diễn đạt của mình tốt hẳn lên sau khi luyện tập bằng phương pháp này đó! 


b.    Nhược điểm

-       Nghe thì dễ, lúc vào luyện tập mới thấy khó: Nhiều bạn tìm hiểu cách shadow thấy rằng lý thuyết về phương pháp này rất đơn giản – quanh đi quẩn lại chỉ có Listen và Repeat. Tuy nhiên, nếu phân tích sâu hơn thì câu chuyện không dừng lại ở đó. Nhiều bạn luyện tập phương pháp này mà thấy mình không tài nào bắt chước giống người bản xứ được, dù có lặp đi lặp lại cả chục lần. Nguyên nhân là bởi phương pháp shadowing KHÔNG dành cho tất cả mọi người. Bạn cần có thời gian phân tích và học căn bản ngữ âm trước (cách phát âm nguyên âm, phụ âm, quy tắc nhấn trọng âm, đọc nối từ, nuốt từ, xử lý âm cuối, vv.). Nếu không nắm được những kiến thức căn bản này, dù có dành rất nhiều thời gian luyện tập, bạn vẫn không thể bắt kịp được tốc độ của người nói, hoặc lâu dần để bắt kịp tốc độ của người nói, bạn sẽ hình thành những thói quen xấu như phát âm sai, phát âm nhanh nhưng không tròn vành rõ chữ.