LÀM SAO ĐỂ HỌC TỪ VỰNG TIẾNG ANH MÀ KHÔNG QUÊN?

LÀM SAO ĐỂ HỌC TỪ VỰNG TIẾNG ANH MÀ KHÔNG QUÊN?
Trang Ly
Trang Ly

526

  • Chinh phục IELTS với Mẹo và Chiến lược

Có thể bạn nghĩ rằng khả năng ghi nhớ từ vựng phụ thuộc chủ yếu vào trí nhớ của mình, và thế là bạn hay than thở rằng do trí nhớ kém mà bạn không thể học được nhiều từ vựng hoặc học tới đâu là quên tới đó. Thực tế có phải như vậy không và có cách nào để học từ vựng mà không những không quên mà còn có thể áp dụng chúng vào kỹ năng nói và viết của mình? Cùng Pombeebee tìm hiểu về đề tài này trong bài viết sau nhé! 

 

Đầu tiên, bạn cần hiểu được cách hoạt động của não bộ và cơ chế của trí nhớ trước. Vào năm 1895, một bác sĩ tên là Hermann Ebbinghaus đã tiến hành một nghiên cứu để trả lời cho câu hỏi, “Mọi người quên thông tin mới nhanh tới mức nào?” Ông khám phá ra được rằng hầu hết con người quên những gì họ học được cực kỳ nhanh. Cụ thể là, chỉ trong một giờ, một người có thể quên tới 55% thông tin mà họ vừa học được một giờ trước đó. Và chỉ trong vòng 24 giờ, lượng thông tin mà một người bình thường quên đi lên tới 70%. Để minh hoạ cho điều này, ông giới thiệu biểu đồ về “Đường quên lãng”: 

 

(Biểu đồ đường quên lãng – The forgetting curve – với trục hoành là thời gian, trục tung là khả năng ghi nhớ)

 

Từ biểu đồ trên, bạn có thể thấy khả năng ghi nhớ và thời gian là hai đại lượng tỷ lệ nghịch, có nghĩa là thời gian trôi qua càng lâu, lượng thông tin chúng ta quên đi càng nhiều. Dĩ nhiên, điều này không hoàn toàn đúng. Nếu bạn từng bị bỏng do vô tình chạm vào bếp ga chưa tắt, hoặc từng bị giật điện khi không may sờ vào ổ cắm hoặc dây điện bị hở, cảm giác đó sẽ khiến bạn nhớ rất lâu và lần sau khi tiếp xúc với những vật dụng đó, bạn có xu hướng cẩn thận hơn rất nhiều. Để lý giải cho điều này, các nhà khoa học cho rằng khi bạn gặp phải tình huống nguy hiểm, não của bạn sẽ ghi nhớ rất kỹ bởi đó là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể. Nhưng rõ ràng khi học tập nói chung và học từ vựng nói riêng, bạn không bị đặt trong bất cứ tình huống nguy hiểm đến tính mạng nào, vậy nên não của bạn sẽ không ở trong trạng thái ghi nhớ tất cả mọi thứ đúng không nào! Do vậy, việc học từ vựng và quên nhanh chóng là chuyện vô cùng bình thường và xảy ra với hầu hết chúng ta. 

 

Đừng tuyệt vọng vội, vì nếu không có cách khắc phục điều đó, chắc hẳn sẽ không có những người có khả năng học tới 3, 5 hay thậm chí vài chục ngôn ngữ. Vậy bí quyết của họ là gì? Bí mật chỉ nằm trong một từ thôi, đó là “REPETITION” (sự lặp lại). Lặp đi lặp lại là chìa khóa để ghi nhớ thông tin. Nhiều học giả cho rằng cần ít nhất 20 lần lặp đi lặp lại để ghi nhớ được một từ vựng ngoại ngữ. Hơn nữa, 20 lần lặp đi lặp lại đó phải ở trong các hoàn cảnh khác nhau (ví dụ, gặp từ đó trong văn bản viết dưới các ngữ cảnh khác nhau hay gặp từ đó khi nghe một người khác nhắc tới.) Ngoài ra, điều quan trọng hơn cả đó là 20 lần lặp đi lặp lại này không được diễn ra trong một giờ hay một ngày. Tức là sẽ không hiệu quả nếu bạn học một từ vựng 20 lần trong một giờ hay một ngày, mà bạn cần dàn trải 20 lần học này qua nhiều ngày, nhiều tuần và thậm chí là nhiều tháng. Lý do khoa học cho việc làm này đó là, khi bạn lặp lại thông tin trong thời gian ngắn, phần thông tin đó sẽ nằm trong trí nhớ ngắn hạn của bạn. Khi đó, bạn sẽ cảm giác là mình học thuộc từ đó rồi. Nhưng thực tế khi bạn ngừng học thông tin đó, não của bạn sẽ chuyển thông tin này từ trí nhớ ngắn hạn vào trí nhớ dài hạn. Thông tin sẽ được chia thành các phần nhỏ hơn và lưu trữ ở các khu vực khác nhau trong não. Ví dụ, khi bạn học từ “author”, bạn học cách viết, cách phát âm và ý nghĩa của từ này, và 3 loại thông tin này sẽ được lưu trữ ở các nơi khác nhau trong não của bạn. Đó là lý do vì sao đôi khi chúng ta gặp một từ mà chúng ta cảm thấy mình đã từng gặp rồi nhưng không tài nào nghĩ ra được từ đó nghĩa là gì. Đấy là vì bạn chỉ có thể tìm thấy được một chút thông tin về từ đó chứ không phải tất cả. Khi bạn thực sự ghi nhớ và sử dụng thành thạo một từ, bạn có thể kết nối tất cả các thông tin khác nhau về từ đó (cách viết, cách dùng, cách đọc). Chỉ bằng cách lặp đi lặp lại, bạn mới có khả năng giúp liên kết nơ-ron trong trí nhớ dài hạn trở nên mạnh hơn và từ đó ghi nhớ từ vựng lâu hơn. 

 

Nếu bạn đã hiểu về cơ chế hoạt động của não bộ rồi, mình xin tóm tắt lại phương pháp giúp bạn học từ vựng hiệu quả hơn: 

-       Chia khối lượng từ vựng cần học cho mỗi ngày, tuyệt đối không học nhồi nhét. Ví dụ, bạn có 100 từ mới cần học trong một tuần, thay vì để dồn học cả 100 từ này trong 2 ngày và 5 ngày còn lại không học gì cả, bạn nên chia ra mỗi ngày chỉ học 12-15 từ. 

-       BẮT BUỘC phải ôn tập lại các từ vựng đã học. Hãy lưu ý mốc thời gian ôn tập, 1 tiếng – 8 tiếng – 1 ngày – 1 tuần. Đừng nản khi bạn gặp một từ mà học vài lần vẫn chưa thuộc hết, đơn giản là não của bạn chưa đủ thời gian để liên kết các thông tin thôi. Hãy bình tĩnh và kiên trì nha! 

-       Thay vì ghi thành list từ trong vở, hãy sử dụng flashcards. Để làm flashcards, bạn chỉ cần dùng giấy A4 cắt thành 8 miếng hình chữ nhật. Với mỗi miếng, bạn hãy viết từ mới đi kèm với các thông tin như từ loại, cách phát âm, ví dụ ở một mặt và định nghĩa của từ đó ở mặt còn lại. Sau khi đã có một tập thẻ từ, lúc này bạn chỉ cần thường xuyên ôn tập lại. Nhớ luôn mang theo bên người để có thể ôn tập bất cứ đâu, lúc chờ xe buýt, trên lớp học lúc chưa tới giờ học chính thức hay trước khi đi ngủ chẳng hạn. Bạn sẽ ngạc nhiên với vốn từ của mình sau một thời gian kiên trì đó! 

-       Cố gắng sử dụng từ mình đã học được ở mọi nơi mọi lúc. Hãy nghĩ xem từ đó có thể dùng trong ngữ cảnh như thế nào, tập sử dụng từ đó để diễn đạt ý mà bạn muốn nói, sau đó viết hoặc nói ra. Bạn có thể nhờ giáo viên hoặc phần Chat trong app Pombeebee để xem câu bạn đặt có đúng ngữ pháp và hợp hoàn cảnh hay không. Nếu làm bước này, mình chắc chắn bạn sẽ ghi nhớ cách dùng và nghĩa của từ vựng đó rất lâu! 


Chúc các bạn học tập hiệu quả và hãy chờ đón các tips học tập của chúng mình trên app và website Pombeebee nha!!!